Không chỉ lãi suất tiền gửi tiết kiệm dưới 6 tháng giảm mà lãi suất tiền gửi tiết kiệm cả kỳ trung và dài hạn cũng được các ngân hàng niêm yết giảm theo. Hiện, người dân đang cân nhắc và có xu hướng chuyển tiền gửi sang dài hạn để hưởng lãi suất cao hơn.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn dài hạn đều giảm
Đại diện ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) cho biết, sau khi ngân hàng Nhà nước công bố hạ trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm, hầu hết khách hàng đều chuyển sang gửi tiết kiệm từ 7 tháng trở lên.
Từ ngày 18/3, nhiều ngân hàng cũng nhanh chóng công bố mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới. Điều đặc biệt, không chỉ kỳ hạn huy động tiền gửi dưới 6 tháng giảm mà các kỳ hạn tiền gửi trung và dài hạn cũng giảm theo. Trong họp báo chiều 17/3, Phó Thống đốc ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cho biết, lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngắn hạn sẽ có mối liên quan trực tiếp đến dài hạn. Từ đó, khách hàng cá nhân và doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi với những khoản vay dài hạn.
Hiện tại ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng là mức 5,5%/năm. Tại ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) là 5,8%/năm, còn tại ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) là 5%/năm, kỳ hạn tính từ ngày 18/3.
Ở các kỳ hạn tiền gửi 2 đến 5 tháng, được các ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi tiết kiệm từ 5,5%-5,8%/năm.
Ở các mức tiền gửi kỳ dài hạn, lãi suất tiền gửi tiết kiệm cũng giảm nhẹ khoảng 0,5%. Tại ngân hàng BIDV, mức lãi suất từ 6 - 11 tháng giảm 0,5 điểm phần trăm, từ 7% xuống còn 6,5%/năm; kỳ hạn gửi 12 tháng giảm về 7%/năm.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm, chuyển sang trung và dài hạn
Tại một số ngân hàng thương mại, lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn dài 12 tháng của DongABank chỉ còn 7,1% từ ngày 18/3, ngân hàng Thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) mức lãi kỳ hạn 12 tháng giảm về còn 8,95%/năm. Hiện HDBank đang có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng cao nhất với kỳ hạn 18 tháng 9%/năm và kỳ hạn 24, 36 tháng 9,5%/năm.
Lý giải về nguyên nhân khiến các ngân hàng giảm mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trung và dài hạn, chuyên gia kinh tế Cao Sỹ Kiêm cho rằng: “Các ngân hàng giảm nhẹ mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm trung và dài hạn là để tiết kiệm và cân đối chi phí vốn”.
Tiền chuyển từ ngắn hạn sang dài hạn
Mặc dù, lãi suất tiền gửi tiết kiệm các kỳ dài hạn được các ngân hàng niêm yết giảm nhưng vẫn hấp dẫn người dân chọn gửi tiết kiệm, ngược lại các kỳ ngắn hạn lại không còn là lựa chọn nhiều như trước.
Nhân viên chi nhánh ngân hàng BIDV tại Cầu Giấy cho biết: “Ba ngày sau khi có mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm mới, người dân chủ yếu chọn gửi tiền từ 7 tháng trở lên, phần lớn là 12 tháng trở lên, không chọn gửi các kỳ ngắn hạn như trước đây, dù nhìn mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm dài hạn có giảm nhưng đa số vẫn chọn để gửi tiền tiết kiệm”.
Sự chuyển dịch của dòng tiền từ ngắn hạn sang trung và dài hạn, đã được nhiều ngân hàng tiên lượng được, trước khi quyết định giảm lãi suất tiền gửi tiết kiệm của ngân hàng Nhà nước có hiệu lực. Theo một lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, NHNN quyết định hạ trần lãi suất tiền gửi tiết kiệm là động thái rất tích cực. Hạ trần lãi suất sẽ ảnh hưởng đến nguồn vốn huy động nhưng sẽ làm thay đổi cơ cấu nguồn huy động. Nghĩa là nguồn huy động ngắn hạn sẽ giảm và nguồn cung trung và dài hạn sẽ tăng, bên cạnh đó có thể tạo mặt bằng lãi suất mới cả cho vay lẫn huy động”.
Tâm lý người gửi cũng đang cân nhắc giữa các kỳ ngắn hạn và dài hạn để hưởng mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiệu quả và ổn định. Chị Nguyễn Vân Nga, một người gửi tiền tại BIDV Cầu Giấy cho biết: “Tôi đang băn khoăn nên xem gửi ngắn hạn hay dài hạn. Nếu tiếp tục gửi ngắn hạn thì lãi suất tiền gửi tiết kiệm không cao, có thể tôi sẽ rút tiền ra, xem xét ngân hàng nào lãi suất từ 12 tháng trở lên cao thì mới gửi”.
Khi được hỏi tại sao không chuyển tiền sang đầu chứng khoán hay vàng, chị Nga cho hay: “Chứng khoán bấp bênh, lãi lớn nhưng nhiều rủi ro, tôi gửi tiết kiệm được ít lãi hơn nhưng chắc chắn là mình vẫn có tiền, chứng khoán được nhiều nhưng cũng mất nhiều”.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, với tình hình lãi suất tiền gửi tiết kiệm hiện nay, để giữ khách hàng, các ngân hàng đang đưa ra những mức lãi suất huy động hấp dẫn từ 6 tháng trở lên với mục đích tăng nguồn vốn trung và dài hạn. Về phía người gửi tiền, có thể cân nhắc phân bổ khoản tiền theo nhu cầu để vừa gửi kỳ hạn ngắn, vừa gửi kỳ hạn dài để tối ưu hóa lợi ích tiền gửi tiết kiệm.
Thanh Huyền
Nguồn:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét