Thứ Bảy, 6 tháng 9, 2014

Chuyển tiền ra nước ngoài 'chui': không thể thả lỏng

Việc chuyển tiền ra nước ngoài "chui' để có cơ hội định cư tại Mỹ theo chương trình EB-5 đang đẩy nhà đầu tư vào nguy cơ “không được gà còn mất luôn nắm thóc”.


Chuyển tiền ra nước ngoài "chui": không thể thả lỏng
Chuyển tiền ra nước ngoài 'chui': không thể thả lỏng

TS Nguyễn Văn Thuận - Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng, Trường ĐH Mở TP.HCM - kể: Một nhóm luật sư tại Mỹ nhờ ông tư vấn cho một số khách hàng cá nhân tại VN cách thức chuyển tiền qua Mỹ để đầu tư theo chương trình EB-5. Tuy nhiên sau khi tìm hiểu kỹ các quy định của VN thì ông trả lời không thể thực hiện được.


Khó có nước nào chấp nhận


“Trên thực tế việc chuyển tiền không chính thống vẫn được thực hiện dưới nhiều cách như Báo Thanh Niên đã phản ánh nhưng điều này quá rủi ro và mức phí quá cao. Đặc biệt, những luật sư tại Mỹ cho biết chính quyền Mỹ cũng khó chấp nhận nếu chuyển tiền thông qua nước thứ 3 thay vì chuyển thẳng từ VN. Hơn nữa khi đó nhà đầu tư cũng khó chứng minh được nguồn gốc tài chính. Do vậy những người muốn tham gia theo chương trình EB-5 phải xem xét cẩn thận vì mất tiền thì dễ nhưng mục tiêu xin được định cư tại Mỹ lại vẫn rất khó", TS Thuận nói.

Luật sư Nguyễn Hồng Thắng - Giám đốc Công ty luật TNHH tư vấn Việt phân tích việc đầu tư mua nhà, mua bất động sản hay góp vốn vào các doanh nghiệp ở nước ngoài... đều là hình thức đầu tư gián tiếp mà quy định hiện tại của VN chưa cho phép. Vì vậy các nhà đầu tư “chuyển chui” qua các công ty tư vấn, công ty chuyển tiền... có thể mất tiền. Đối với hình thức chuyển tiền giữa hai cá nhân với nhau thì lại càng dễ mất tiền hơn vì khả năng bị lừa là khá cao.

Trả lời về vấn đề này, một cán bộ quản lý ngoại hối thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận xét, cá nhân đầu tư chủ yếu để “mua suất định cư” thì khó có nước nào chấp nhận cho việc chuyển tiền ra nước ngoài. Luật Đầu tư mới hiện đang được soạn thảo nên các hình thức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Do đó việc chuyển tiền của cá nhân trong nước ra nước ngoài qua đường không chính thống là trái quy định nên mang nhiều rủi ro.

Vị cán bộ này nhấn mạnh: ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ, hệ thống chống rửa tiền khá nghiêm ngặt. Những khoản tiền lớn như 500.000 USD/suất đầu tư như chương trình EB-5 sẽ phải làm rõ nguồn gốc tiền, nếu không chứng minh được sẽ gặp rủi ro lớn về mặt pháp lý. Vì vậy, các cá nhân không nên mạo hiểm với tài chính của mình.

Chưa thể mở cửa


Luật sư Nguyễn Hồng Thắng cho rằng để tránh rủi ro cho nhà đầu tư trong nước khi thực hiện việc đầu tư ra nước ngoài, luật Đầu tư cần được thông thoáng hơn. Bên cạnh quy định việc đầu tư trực tiếp, luật cần quy định cụ thể về đầu tư gián tiếp. Chẳng hạn cần phân cấp cho các cơ quan quản lý như UBND tỉnh thành hay Sở KH-ĐT phê duyệt. Riêng đối với những dự án đầu tư lớn phải xin giấy phép từ Chính phủ và Bộ KH-ĐT.

Việc mở rộng luật Đầu tư cho phép cá nhân, tổ chức đầu tư gián tiếp ra nước ngoài sẽ có 2 mặt tiêu cực và tích cực. Nếu cơ quan quản lý có cơ chế kiểm soát nguồn tiền đầu tư thì không phải lo sợ vấn đề ngoại tệ chảy mạnh ra nước ngoài. Vì đối với nhiều người, mục tiêu đầu tư để định cư là tạo điều kiện cho con cái được tiếp cận, học hỏi ở các nước và khi về VN sẽ có kiến thức tốt hơn.

Đồng quan điểm này, một chuyên gia kinh tế tại TP.HCM cũng cho rằng nên xem xét mở rộng các hình thức đầu tư gián tiếp cho người VN theo một số ngành nghề. Chẳng hạn như góp phần xuất khẩu các sản phẩm nông lâm ngư nghiệp của VN, góp phần tăng giá trị hàng nông sản trong nước…

Tuy nhiên, theo TS Lê Đạt Chí - Trưởng bộ môn đầu tư tài chính, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - thị trường còn tồn tại việc mua bán ngoại tệ nên rất khó kiểm soát và ngăn chặn được việc chuyển tiền ra nước ngoài. Nhưng với tình hình kinh tế và dự trữ ngoại hối của VN hiện nay vẫn không thể cho phép việc cá nhân hay tổ chức tự do chuyển ngoại tệ ra nước ngoài, nhất là theo hình thức đầu tư định cư. Nếu điều này xảy ra dòng vốn sẽ ồ ạt chuyển ngược và sẽ gây bất ổn cho thị trường tài chính nói riêng và kinh tế VN nói chung.

“Bài học khủng hoảng kinh tế năm 1997 của các nước ASEAN là rất lớn. Khi đó không chỉ dòng vốn ngoại rút ra mà cả dòng vốn trong nước cũng chảy mạnh khiến các thị trường tài chính rơi vào khủng hoảng. Ở một số nước có nền kinh tế đang phát triển như VN thì chính sách kiểm soát ngoại hối là điều tất yếu”, ông Chí nói.

TS Nguyễn Văn Thuận cũng cho rằng trong khi VN đang áp dụng nhiều chính sách khuyến khích để thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển thì không thể mở cửa cho việc chuyển tiền ra nước ngoài đầu tư.


Nguồn:

http://kinhtetaichinhnganhang.blogspot.com/2014/09/chuyen-tien-ra-nuoc-ngoai-chui-khong.html

Xem thêm tại tin tức ngan hang tmcp phuong dong.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét